Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2008

Ủng hộ đồng bào bão lụt miền Bắc


Mấy ngày nay, thông qua các phương tiện truyền thông, ai cũng biết và thương cảm đồng bào miền núi phía Bắc đang bị lũ lụt. Đời sống dân chúng ở đây bình thường đã không bằng anh em miền đồng bằng, nay lại thêm bão lũ!

Hòa cùng tinh thần với người dân cả nước, BGĐ Cty NANCY cũng kêu gọi ACE nhường cơm xẻ áo dù cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng không phải là giàu có gì.

Phương thức đóng góp cũng như mọi năm:
- Ký tên & điền số tiền muốn ủng hộ
- Tiền ủng hộ sẽ được trừ vào lương tháng 8/2008
- Gởi giấy ủng hộ về Phòng Hành chánh trước ngày 26/8/2008

Và tinh thần ủng hộ của mọi người thật đáng tuyên dương. BGĐ mới phổ biến trong buổi họp giao ban chiều qua (15/8) thì ngay trong cuộc họp, các Bác sĩ đã 'mở hàng' để tinh thần này được truyền đến tất cả nhân viên. Hiện nay (16/8), bộ phận Hậu sản cũng đã gởi về phòng Hành chánh danh sách ký ủng hộ cho đồng bào. Hoan nghênh tinh thần của Hậu sản
và của mọi người!



Xem thêm
bài viết của một phóng viên ảnh - PV Na Son
Những chuyện không có trên báo về vùng...rốn lũ
Sau gần 5 ngày vất vả từ vùng lũ cũng đã về tới nhà. Bài vở cũng đã gửi hết. Có những chuyện không thể viết lên báo hoặc không có đất viết lên, giữ một mình thì phí đi, bèn chia sẻ cho mọi người thêm một ít thông tin vậy. Xin đảm bảo tất cả những gì trong bài đều là sự thật 100%, mình được tận mắt nhìn thấy, tai nghe, tay sờ.


1. Vào tận "rốn" lũ


Chiều 9.8, nghe tin mưa gió lũ lụt ở lào Cai, Yên Bái mà ruột gan nóng cồn cào. Quyết định phải đi bằng được đến tận "rốn" cơn lũ xem thế nào dù theo thông tin, mọi ngả đường vào Lào Cai đều bị chặn hết do sạt đất, may ra đi vòng vèo lên Sơn La, qua Lai Châu rồi vào Sapa qua ngả Ô Quy Hồ rồi lên Lào Cai là còn có vẻ dễ đi một chút. Nhưng nhẩm tính quãng đường gần 500km mà thấy oải. Đường 70 thì không thể nào vượt qua Yên Bái nơi nước đang ngập sâu lút nhà. Còn hy vọng mỗi đường 279 từ Bắc Quang (Hà Giang) qua Phố Ràng (Bảo Yên).


Đoạn sạt này cách cầu Đao chừng 1km, rất cheo leo và trơn trượt, ngươì đẩy xe máy qua có thể trượt chân ngã xuống như chơi.

10h đêm thuê được 1 chiếc xe Innova rồi thẳng tiến. Đến 4h20 sáng thì xe bị sa lầy giữa đèo Nghĩa Đô, đất lào Cai khi vừa qua khỏi địa phận Hà Giang mấy km. Lốp xe lại nổ luôn sau cố gắng lùi. Tôí đen, đồng không mông quạnh. Ngủ 1 giấc đến gần 6h thì có ngươì đi qua, nhờ xe xuống xã thuê 5 anh chàng ngươì Tày khỏe như vâm, buộc dây thừng kéo 1 phát xe qua luôn chỗ lầy ngon ơ, trả mỗi anh 50K mà hơi ấm ức, giá mình xuống đẩy cùng có khi bớt được 50K. Xe chạy thêm mấy km vào đến xã Nghĩa Đô thì được khuyến cáo là không thể có cách nào đi ô tô tiếp được. Bỏ xe lại, nhảy xe ôm đi được 6km, vừa đi vừa đẩy xe máy qua mấy chỗ sạt thì cũng bó tay ở trước cầu Đao, 8000m3 đất đá của 1 quả đồi sạt xuống. Lội bộ qua thụt tí mất dép. Từ đó thì đi bộ, đi 12km liền cho tới tận bản Cuông Ba thì tóm sống được 3 chàng pv Tuổi Trẻ đang lếch thếch lội bộ phía trước. Cả đám đi bộ thêm chừng hơn 1km nữa thì kiếm được xe ôm. 12km đi ra Phố Ràng bằng xe máy ngốn hơn 1h30 phút. cứ 100m lại xuống, đẩy xe, khiêng xe qua bao nhiêu là điểm sạt giữa trời mưa tầm tã. Tổng cộng trên cung đường có tới 38 chỗ sạt nghiêm trọng không đi được.


Bản Cuông 3 (xã Xuân Hòa- huyện Bảo Yên, Lào Cai)- có 1 ngươì chết, 14 người bị thương, gần chục nóc nhà, 5 xe máy, 1 con trâu... bị lũ cuốn hoàn toàn


Phải khiêng xe qua 38 chỗ sạt như thế này để qua Phố Ràng (Bảo Yên). 2 bạn mặc áo phao là Quang HUy và Xuân Long của Tuổi Trẻ, các bạn này bị mình bắt kịp và vượt qua , đến quá trưa 11.8 mới vào được Trịnh Tường, Bát Xát.


Về đến Phố ràng (huyện lỵ bảo Yên), ghé qua Huyện Ủy xin ít thông tin, chạy ra trung tâm thị trấn nơi cớ hàng trăm du khách đang "tiến thoái lưỡng nan", một số đánh liều thuê xe ôm đi đường 279, đoạn đường kinh hãi mà mình mới qua để về Hà Giang với giá 800K. Mình cho các cu Tây một ít thông tin để các cu đỡ sốc rồi bắt xe ôm đi đường 70 về Lào Cai. 50K cho 1 quãng đường 10km, bình thường không bị sạt là chả rẻ mấy, đi được đến chỗ bị sạt không thể qua nổi thì bỏ xe ôm leo qua. Đất đá sạt xuống chắn hơn 100m đường. Qua bên kia lại cuốc bộ rồi tới 1 điểm sạt còn to hơn, vượt qua được thì thấy lũ lượt ô tô từ Lào Cai về nằm xếp hàng. Mấy điểm này vừa sạt xuống ngay trước đó khiến các xe chở du khách ở Phố Ràng "tiến không được, lùi về Lào Cai cũng chả xong". Thật may là có 1 xe quay đầu về Lào Cai, xin được đi nhờ. Trơì mưa càng to, thấy may mắn vì một số chỗ vừa qua có nguy cơ đang sạt tiếp sau này mơí biết là sạt thật. Về đến Lào Cai quá trưa, chạy vào Phân xã Lào Cai lấy ít thông tin và gặp Thông Thiện (Pv lai Châu sang tăng cường), ăn qua loa 1 bát phở rồi đi xe ôm vào Trịnh Tường, bát Xát cách đó 60km. Trên đường đi mua ít lương khô, vừa đi vừa ăn vì từ sáng có mỗi bát phở dằn bụng.


Đường Quốc lộ 70 giờ như đường rừng, xe máy còn khó nhọc để qua

Trịnh Tường u ám bởi không khí tang tóc, trong đồn biên phòng, 50 ngươì dân Tùng Chỉn 1 sống sót mặt vẫn thất thần, hoảng sợ. Phỏng vấn và chụp 1 ít ảnh. Được ăn một bữa tử tế với các bạn đồn biên phòng, một bữa ngon kinh khủng vì bụng đói.

Sáng sớm dậy 2 thằng đi ngay, gặp thêm Hoàng Ngọc, phân xã Lào Cai cũng ngủ nhờ nhà dân đi ra. 3 thằng chạy vào đầu suối Tùng Chỉn thấy xe win của Xuân Trường che lá vứt ở bờ suối. Lão này lẻn vào trước theo đường đồi. Lại gặp may khi thấy 2 anh chàng ngươì Dao tìm đường về Tùng Chỉn 1 tìm xác ngươì thân. Cả đám lội dọc bờ suối, băng qua các dòng nước cuồn cuộn, đá cuội vẫn trôi lục cục trong nước, bị vài viên phang cho điếng chân. Cuối cùng cũng vào được đến tận cùng rốn lũ, cụm dân cư bên bờ suối của thông Tùng Chỉn 1, nơi 19 hộ bị nước cuốn trôi sạch mọi thứ và cả 19 ngươì thân. Lang thang trên bãi đá khổng lồ trải dài mấy km chụp ảnh, hỏi han những ngươì dân đi tìm kiếm người thân.


2. Nguyên nhân thực chất của vụ lũ ống


Trên các mặt báo ít có ai nêu ra đích xác được nguyên nhân của cơn lũ (ngoại trừ Xuân Trường). Do mưa thì đúng rồi nhưng không hẳn thế vì mưa bên Bát Xát chỉ độ 200mm, kém xa Sapa (320mm) nhưng theo những ngươì dân và theo chỉ huy đồn 263, cách đây ít tuần có 1 ngọn đồi tận tít trên nguồn suối Tùng Chỉn bị sạt, lấp dòng, chỗ ấy cách Tùng Chỉn 1 mấy cây số, xa hơn cả cánh rừng trồng thảo quả của người Dao ở đây. Nước tích tụ lại thành 1 cái hồ chứa. Đến mấy hôm mưa to liên tiếp thì bục, cái hồ to ấy mới đủ lực để nhổ tung bao nhiêu cây to, đủ sức vần hàng vạn hòn đá tảng để hung hãn lao xuống Tùng Chỉn 1 biến nơi đây ngập lút trong 1 cái cối xay khổng lồ. Dòng lũ không chảy theo hướng suối chính Tùng Chỉn mà đổ hết qua dòng phụ, nơi 19 hộ kia dựng nhà, trồng cấy. Theo 1 thông tin chưa kiểm chứng được từ 1 cụ bà ngươì Dao thì cái dòng lũ đi qua này mới đúng là dòng ban đầu của suối Tùng Chỉn, thơì đó bà còn bé cơ. Còn vơí dân Tùng Chỉn 1, hàng chục năm nay họ không bao giờ nghĩ lũ sẽ chảy qua nhánh ấy, vậy mà...


Suối Tùng Chỉn sau lũ 2 ngày vẫn hung hăng


Khi xưa đây là nơi sinh sống của 19 hộ dân Tùng Chỉn, bây giờ biến thành một bãi đá khổng lồ, chết chóc

Cũng may là khi vỡ bục hồ nước, một tiếng nổ rền như sấm đã đánh thức dân ở đây để có 50 ngươì còn kịp chạy lên đồi, nêú không chắc còn tàn khốc hơn. Nhiều người còn tả, vài phút sau tiếng nổ ấy, gió bão thổi ầm ầm- luồng gió do dòng lũ tạo áp lực khi chảy xuống gây nên.



3. Chuyện cứu trợ, cứu nạn


Ở ta cứ hễ có lũ lụt là nhà nước, chính quyền huy động mọi ban ngành để cứu trợ, cứu nạn và khắc phục hậu quả. Đó là những công việc cấp thiết đáng làm ngay. Thế nhưng cũng có vài điều cần nói. Ví dụ như việc mang trực thăng chở mì tôm và hàng cứu trợ lên Ý Tý hay Trịnh Tường. Mà lạ cứ lũ lụt thì cứ phải thả mì tôm đã. Vơí địa hình Tây Bắc mùa mưa lũ, chuyện sạt đường, cắt mất đường ô tô là chuyện cơm bữa và dân chúng và chính quyền địa phương, biên phòng đã quen vơí việc chuyên chở lương thực, đồ dùng lên bản bằng xe máy, xe thồ, gùi bộ. Ở Ý Tý có 6 ngươì thiệt mạng, đã được chôn cất xong, không ai bị thương nghiêm trọng cần đưa đi cấp cứu, ở Trịnh Tường thì càng không, xe máy thì sáng mùng 10.8 đã vào xã được, ô tô thì cũng trong ngày 10.8 các xe đã vào tận trung tâm xã. Vả lại khi lũ về mới có 2 ngày việc chính quyền xã, ngươì dân tự lo được lương thực cho một số ít hộ bị mất nhà cửa không phải điều quá khó khăn vượt tầm tay. Vậy thì các chuyến trực thăng bay lên ngày 10.8 (không đáp được xuống ý Tý) rồi 11.8 và sau đấy khi chủ tịch Quốc hội lên ngày 12.08 có thực sự cần thiết và kinh tế hay không? Khi hoàn toàn có thể đi bằng ô tô được. Liệu ngươì dân vùng lũ đang thực sự cần mì tôm hay cần điều gì nhất???


em Tẩn Tả Mẩy, 15 tuổi, may mắn thoát chết, chỉ bị sây sát khắp người nhưng bà em là Tẩn Lủa Xiển (70 tuổi) thì không kịp chạy lên đồi, bị nước cuốn trôi ngay trước mắt em.

Liệu các vị phụ trách phòng chống lụt bão cấp cao có biết ngươì dân vùng lũ đang thực sự cần mì tôm, cần chăn ấm giữa mùa hè hay cần điều gì cấp thiết nhất lúc nà???
Xin thưa, ngươì dân Tùng Chỉn đang cần nhất là nhà ở, cần thứ 2 là tiền để sau lũ tái thiết cuộc sống vì hoa màu , tài sản, gia súc mất cả chứ họ không đói. Từ địa điểm trực thăng đáp xuống mà anh phóng viên VTV là XT ngồi trong khoang trực thăng hùng hồn nói trong tiếng gầm rít của động cơ ngày 12.08 là "Hiện nay, chỉ có trực thăng là phương tiện duy nhất chuyên chở được mì tôm và hàng cứu trợ cho dân Trịnh Tường, Bát Xát" thì chỉ cần đi bộ ra 100m là tới chợ trung tâm Trịnh Tường, mì tôm 1200-1500đ/gói bán rất nhiều và mọi sinh hoạt vẫn bình thường. Mấy anh ngươì Dao vừa đi tìm ngươì thân mất tích xong vào quán phở giữa chợ vẫn gọi được tái chín để ăn lấy sức.

Nếu tính chi phí 1 chuyến bay trực thăng là hơn 10 ngàn USD như giá mà Công ty Bay dịch vụ Miền Bắc tính tiền khi di tản du khách Tây kẹt ở Lào Cai về xuôi thì chỉ cần tiết kiệm 2,3 chuyến bay không cần thiết như thế thôi cũng đủ cho 19 hộ dân Tùng Chỉn 1 không những dựng lại được nhà mà còn có tiền để sinh sống, trồng cấy bù đắp cho những gì họ bị cơn lũ cướp đi.


Mãi đến gần trưa ngày 11.8 lực lượng tìm kiếm do trung đoàn 32 đảm nhận mới lội suối vào đi tìm ngươì mất tích.


Cần phải nói thêm về việc huy động thêm các đơn vị quân đội, công an tham gia tìm kiếm cứu nạn và giúp dân tái thiết. Ngoài đồn biên phòng 263 đóng trên địa bàn đã kịp thời vào sơ tán dân 3 tiếng sau khi lũ về và đã cử người vào hiện trường đầu tiên thì hơn 100 chiến sỹ Trung đoàn 32 được điều động từ Lai Châu qua Trịnh Tường, Bát Xát từ trưa 10.8 cùng với 20 chiến sỹ cảnh sát cơ động ga Lào Cai nhưng họ làm gì trong gần 1 ngày sau đó? Việc di chuyển quân hẳn cũng tốn nhiều tiền và cơm gạo. Đến trưa ngày 11.08, khi nhóm phóng viên đầu tiên tiếp cận rốn lũ chúng tôi: Xuân Trường, Thông Thiện, Hoàng Ngọc và tôi, sau khi ngủ đêm tại hiện trường và làm suốt buổi sáng lội ra về mới gặp các chiến sỹ bộ đội tiến vào cứu nạn, tìm kiếm mất tích. Cứu nạn nhưng các anh không dàn quân hàng ngang dưới lòng suối trên bãi đá để tìm người, mà các anh đi túm tụm lại ở giữa suối. Chưa hết nhóm CSCĐ Lào Cai đi cuối, cùng với 1 nhóm nữ thanh niên che ô, vừa đi vừa cươì đùa vui vẻ, trêu ghẹo nhau, có anh còn ga lăng mang cả mũ cảnh sát của mình để đội cho 1 cô thanh niên. Một anh giọng khá hách hỏi tôi khi tôi xin nước uống :"Các anh ở đâu đi cùng đây??" làm mình hơi bực vặc lại:
(Xin lỗi mọi người) " ĐM. bọn anh ở đằng kia, ở chỗ cái nóc nhà cuối cùng của Lý Kin Nùng từ đêm qua cơ, bây giờ bọn anh đi về, công an đ.. gì bây giờ mơí dẫn xác vào, vừa đi vừa đùa rỡn. Bọn mày không biết đang dẫm lên xác bao nhiêu ngươì trên bãi đá này đâu mà còn cười vui thế!"

Cu cậu tái mặt cúp đuôi lượn thẳng. Chịu không thể hiểu nổi, họ đi cứu trợ, cứu nạn kiểu gì.



4. Huyện Bảo Yên bị "bỏ quên"


Trong số những địa bàn trên tỉnh Lào Cai bị thiệt hại thì ngoài Bát xát, huyện Bảo Yên cũng có tới 15 ngươì chết, 6 ngươì mất tích, 34 ngươì bị thương, 115 nhà trôi hoàn toàn, 358 nhà bị hư hỏng nặng, 1000 ha lúa mùa bị mất trắng và úng nặng...Nhiều xã như Long Phúc, Xuân Hoà.. đến ngày 13.08 mới đi bộ mang hàng cứu trợ vào được, mà phải đi bằng thuyền, đi bộ. Thế nhưng mọi sự chú ý dường như chỉ đổ về Tùng Chỉn, Bát Xát, tất nhiên vì số ngươì chết, mất tích 19 trong cùng một thôn thì thảm khốc hơn. Công tác cứu trợ, thông tin báo chí dành cho Bảo Yên là quá ít trong khi chính quyền nơi đây chật vật loay hoay vừa cứu trợ, vừa cứu nạn lại phải phối hợp thông đường vì Bảo Yên là nút giao thông huyết mạch để nối Lào Cai với xuôi.



5. Thông tin báo chí


Trong những ngày đi làm và cả khi ngồi đây đọc lại những bài báo viết về lũ lụt ở Lào Cai mình thấy rất đỗi ...khâm phục các bạn phóng viên đồng nghiệp. Họ viết, mô tả hay, cảm động nhâts là về Tùng Chỉn, họ như là đi đến tận nơi, sờ vào từng hòn đá, từng mảnh vỡ còn sót lại nơi đây. Mình quá xấu hổ về khả năng viết lách của mình. Các bạn ấy đứng đầu suối, cách hiện trường gần 2km, chụp cũng ngay chỗ ấy, thậm chí có bạn còn gửi máy cho bộ đội biên phòng mang vào Tùng Chỉn 1 chụp hộ ảnh lãnh đạo địa phương vào thăm hiện trường vậy mà viết vẫn đầy xúc động. Mấy anh em mình trèo đồi vào, lội suối vào đầu tiên, ăn ngủ trong ấy, lội suối thì bị đá lăn phang cho tím chân, nước ngập tận bụng mà cũng chỉ biết chụp và phản ánh đúng như những gì đang diễn ra, chả biết viết cho hay ho gì. Chán thật!


Tìm đường lội suối về bản cũ để tìm ngươì thân mất tích

Cái kiểu "vái vọng" từ xa ấy nhiều khi có những thông tin nghe rất buồn cười. Ví như TN viết "có 40 hộ ở Tùng Chỉn bị lũ cuốn trôi" - à thì đúng cả bản có 43 hộ dân thật, chắc gọi điện xuống huyện hỏi số hộ dân đây, nhưng có chi tiết mà có khi trên huyện, trên tỉnh không biết đó là chỉ có 19 hộ (chính xác là 20 vì có 1 hộ mới lập gia đình ở riêng) mơí sống dưới lòng khe thôi, 24 hộ kia ở trên cao hơn chả sao cả. Lại có báo viết "cả bản Tùng Chỉn giờ thành một bãi đá lẫn trong bùn đất đỏ ngầu, lầy lội "- ôi giời, nước lũ mạnh thế, "giặt" đá trắng phau, bùn đất cuốn đi cả, đi khắp chả bẩn chân, vị này chắc ngồi tưởng tượng ra khung cảnh...

Lại có báo to đưa tin gương một cụ ngươì Dao bơi trong dòng nước lũ Tùng Chỉn cứa được những 10 người. Thật là mình đồng da sắt. Nên biết là khi nước lũ những cây cổ thụ 2 ngươì ôm bị cuốn đi như que sậy và đá tảng to bằng con trâu bị cuốn xa hàng km. MỘt số ngươì dân mô tả: "Lúc 5h30 lúc chạy thoát được lên đồi, đứng nhìn xuống thấy dòng nước nhổ từng cái cây lên và cuốn đi nhẹ nhàng như nhổ mạ". Thế mà cụ ông kia vẫn bơi cứu ngươì nổi, quả là kỳ tài.



6. Chuyện thông tàu...giả


Ngày 11.08, bộ trưởng Cao Đ. Phát lên họp với Lào Cai về việc khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt trong đó có việc giải quyết hàng ngàn du khách mắc kẹt trên đất lào Cai, nhất là khách tây. Các bác quan chức tỉnh hứa chắc như đinh: Đêm nay thông tàu lào Cai- Hà Nội, 8h tối thông đường 279 sang Hà Giang để mọi người về được xuôi.

Tính mình lại chả hay tin người, nhất là vào lời nói. Đường 279 thì mình đã mục kích tận mắt nó bị sạt kinh dị như thế nào mà đường bé thế, phương tiện, xe xúc, máy ủi không nhiều nên chả tin lắm (mà đúng thật đến ngày 12.08 mơí thông được 1 thơì gian ngắn đường 279, sau đó thì lại sạt và tắc lại đến chiều tối 13.08 mơí thông xe hoàn toàn). tàu thì mình không biết nên mơí phải gọi hỏi Trưởng ga Lào Cai, vị này nói chắc nịch :" tàu đi được rồi, đêm nay có 4 chuyến xuất phát!". Tối mình ra ga chụp ít ảnh du khách mua được vé đi tàu rơì khỏi Lào Cai nhưng vẫn nghi ngại lắm. Mình còn nói vơí Thông Thiện "Có khi thả cho tàu đi để yên lòng du khách, lãnh đạo thôi, khéo lại nằm dọc đường thì bỏ bu". Nên trong chú thích ảnh của mình chụp mình vẫn không dám đề tàu đã thông (có vài tờ báo vội vã bắn tin thông tàu đều việt vị cả). Sáng sớm ngủ dậy gọi điện: Tàu "nằm" lại đâu đó, còn chưa về đến Yên Bái! Chỉ khổ thân du khách đi tàu, mấy trăm con người bị nằm thêm 2 ngày ở ga xép Mậu A, chả hiểu ăn uống kiểu gì.



7. Chuyện những người kiếm được tiền nhờ lũ và tắc đường


Ở Lào Cai mấy hôm rồi có thêm mấy nghề phát đạt
- chạy xe ôm: tha hồ mà tâng giá lên gấp 10 lần mà khách vẫn cắn răng mà chịu nhá
- nghề khiêng xe máy qua chỗ sạt
- nghề sửa xe máy (nước ngập đường hỏng thế, xe nào mà chả hỏng)
- nghề vớt củi, vớt gỗ trên sông Hồng: ở thành phố Lào Cai và khu vực bản Vược, huyện Bát Xát, lực lượng vớt củi, vớt gỗ lên tới cả hàng trăm người. Có nhiêù cây gỗ được mua ngay tại trận vơí giá 15 triệu đồng.


Dân địa phương vớt gỗ, củi ở khu vực bản Vược, Bát Xát



8. Thoát chết nhờ...trâu


Đó là mẹ con Lục thị Đuổi (20 tuổi) và con gái mới chưa tròn tháng, chồng đi vắng lên huyện, 2 mẹ con khi nghe tiếng nổ ầm ầm của dòng lũ thì chỉ kịp dắt trâu chạy lên đồi. Đuổi tay bế con, tay nắm đuôi trâu nhờ nó keó đi mà thoát được


Hai mẹ con chị Đuổi đang tá túc tại đồn biên phòng 263 đóng ở Trịnh Tường. Ảnh chụp ngày 11.08, ngày bé con chị Đuổi tròn 1 tháng tuổi.


Cáo Cha Mè đang đi tìm bạn bị mất tích trong cơn lũ.


Chị Lý Xan Mẩy (phải) và cô con gái Vàng Ú Mẩy đang tá túc tại đồn biên phòng 263. Con gái chị Lý Xan Mẩy là Vàng Lở Mẩy bị trận lũ ống cuốn trôi rạng sáng 9.8.2008 tại cụm dân cư bên bờ suối thuộc bản Tùng Chỉn 1, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Lào Cai.





Đường... cuốc bộ


Đỗ thị Lan, 3 tuổi đang đứng trước nhà ở bản Cuông Ba- Xuân Hòa- huyện Bảo Yên, Lào Cai sau khi cơn lũ tràn qua đây ít ngày. Bản này có 1 ngươì chết, 14 người bị thương, gần chục nóc nhà, 5 xe máy, 1 con trâu... bị lũ cuốn hoàn toàn


Đoạn tắc cuối cùng (mặt đường bị sạt xuống hơn 1,5m) trên đường 279 chỉ được thông hoàn toàn vào giữa ngày 13.08.




Không có nhận xét nào: