Thứ Hai, 18 tháng 8, 2008

Ký thỏa ước lao động tập thể


Thỏa ước lao động là một nội dung bắt buộc đã được quy định trong Bộ luật lao động (chương V). Với khối doanh nghiệp y tế tư nhân thì ở TP.HCM mới chỉ có Bv Triều An thực hiện ký kết, nay đến lượt Cty Nancy.

Sau khi soạn thảo nội dung bản Thỏa ước lao động và được gởi tới từng tổ Công đoàn để tham khảo, góp ý, Cty NANCY tiến hành lễ ký kết Thỏa ước lao động với đại diện người lao động
  • vào lúc 14g00 thứ Ba 19/8/2008.
  • tại Phòng họp của Phòng khám Nhi NANCY
(615A Trần Hưng Đạo, P.1, Q.5, TP.HCM)

Đối tượng: BGĐ Doanh nghiệp, BCH Công đoàn hai cơ sở (phòng khám Nhi, khoa Phụ sản), Trưởng phó các bộ phận, Tổ Trưởng các tổ Công đoàn.




Đọc thêm

Trích Luật lao động (23/6/1994)

CHƯƠNG V THOẢ ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ

Điều 44
1- Thoả ước lao động tập thể (sau đây gọi tắt là thoả ước tập thể) là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động.
Thoả ước tập thể do đại diện của tập thể lao động và người sử dụng lao động thương lượng và ký kết theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và công khai.
2- Nội dung thoả ước tập thể không được trái với các quy định của pháp luật lao động và pháp luật khác.
Nhà nước khuyến khích việc ký kết thoả ước tập thể với những quy định có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật lao động.

Điều 45
1- Đại diện thương lượng thoả ước tập thể của hai bên gồm:
a) Bên tập thể lao động là Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tổ chức công đoàn lâm thời;
b) Bên người sử dụng lao động là Giám đốc doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền theo điều lệ tổ chức doanh nghiệp hoặc có giấy uỷ quyền của Giám đốc doanh nghiệp.
Số lượng đại diện thương lượng thoả ước tập thể của các bên do hai bên thoả thuận nhưng phải ngang nhau.
2- Đại diện ký kết của bên tập thể lao động là Chủ tịch Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc người có giấy uỷ quyền của Ban chấp hành công đoàn. Đại diện ký kết của bên người sử dụng lao động là Giám đốc doanh nghiệp hoặc người có giấy uỷ quyền của Giám đốc doanh nghiệp.
3- Việc ký kết thoả ước tập thể chỉ được tiến hành khi có trên 50% số người của tập thể lao động trong doanh nghiệp tán thành nội dung thoả ước đã thương lượng.


Điều 46
1- Mỗi bên đều có quyền đề xuất yêu cầu ký kết và nội dung thoả ước tập thể. Khi nhận được yêu cầu, bên nhận yêu cầu phải chấp nhận việc thương lượng và phải thoả thuận thời gian bắt đầu thương lượng chậm nhất 20 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
2- Nội dung chủ yếu của thoả ước tập thể gồm những cam kết về việc làm và bảo đảm việc làm; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp lương; định mức lao động; an toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội đối với người lao động.


Điều 47
1- Thoả ước tập thể đã ký kết phải làm thành 4 bản, trong đó:
a) Một bản do người sử dụng lao động giữ;
b) Một bản do Ban chấp hành công đoàn cơ sở giữ;
c) Một bản do Ban chấp hành công đoàn cơ sở gửi công đoàn cấp trên;
d) Một bản do người sử dụng lao động gửi cơ quan lao động cấp tỉnh chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày ký kết để đăng ký.
Những doanh nghiệp có cơ sở ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì việc đăng ký thoả ước tập thể được tiến hành ở cơ quan lao động cấp tỉnh nơi có trụ sở chính của doanh nghiệp.
2- Thoả ước tập thể có hiệu lực kể từ ngày được cơ quan lao động cấp tỉnh đăng ký. Chậm nhất 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản thoả ước tập thể, cơ quan lao động cấp tỉnh phải thông báo việc đăng ký. Nếu hết thời hạn trên mà không có thông báo thì thoả ước tập thể đương nhiên có hiệu lực.


Điều 48
1- Thoả ước tập thể bị coi là vô hiệu từng phần khi một hoặc một số điều khoản trong thoả ước chưa được cơ quan lao động cấp tỉnh chấp thuận, các điều khoản khác đã được đăng ký vẫn có hiệu lực thi hành.
2- Thoả ước tập thể thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là vô hiệu toàn bộ:
a) Toàn bộ nội dung thoả ước trái pháp luật;
b) Người ký kết thoả ước không đúng thẩm quyền;
c) Không tiến hành theo đúng trình tự ký kết;
d) Không đăng ký ở cơ quan lao động cấp tỉnh.
3- Việc tuyên bố huỷ bỏ các thoả ước tập thể bị coi là vô hiệu trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, thuộc thẩm quyền của cơ quan lao động cấp tỉnh. Đối với các thoả ước tập thể trong các trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này, nếu nội dung đã ký kết có lợi cho người lao động thì cơ quan lao động cấp tỉnh hướng dẫn để các bên làm lại cho đúng quy định, nếu không làm lại thì bị cơ quan lao động cấp tỉnh tuyên bố huỷ bỏ.


Điều 49
1- Khi thoả ước tập thể đã có hiệu lực, người sử dụng lao động phải thông báo cho mọi người lao động trong doanh nghiệp biết. Mọi người trong doanh nghiệp, kể cả người vào làm việc sau ngày ký kết đều có trách nhiệm thực hiện đầy đủ thoả ước tập thể.
2- Trong trường hợp quyền lợi của người lao động đã thoả thuận trong hợp đồng lao động thấp hơn so với thoả ước tập thể, thì phải thực hiện những điều khoản tương ứng của thoả ước tập thể. Mọi quy định về lao động trong doanh nghiệp phải được sửa đổi cho phù hợp với thoả ước tập thể.
3- Khi một bên cho rằng bên kia thi hành không đầy đủ hoặc vi phạm thoả ước tập thể, thì có quyền yêu cầu thi hành đúng thoả ước và hai bên phải cùng nhau xem xét giải quyết; nếu không giải quyết được, mỗi bên đều có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo trình tự do pháp luật quy định.


Điều 50
Thoả ước tập thể được ký kết với thời hạn từ một năm đến ba năm. Đối với doanh nghiệp lần đầu tiên ký kết thoả ước tập thể, thì có thể ký kết với thời hạn dưới một năm.
Chỉ sau ba tháng thực hiện, kể từ ngày có hiệu lực đối với thoả ước tập thể thời hạn dưới một năm và sau sáu tháng đối với thoả ước tập thể thời hạn từ một năm đến ba năm, các bên mới có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung thoả ước. Việc sửa đổi, bổ sung được tiến hành theo trình tự như ký kết thoả ước tập thể.


Điều 51
Trước khi thoả ước tập thể hết hạn, hai bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn thoả ước tập thể hoặc ký kết thoả ước tập thể mới. Khi thoả ước tập thể hết hạn mà hai bên vẫn tiếp tục thương lượng, thì thoả ước tập thể vẫn có hiệu lực. Nếu quá ba tháng, kể từ ngày thoả ước tập thể hết hạn mà thương lượng không đi đến kết quả, thì thoả ước tập thể đương nhiên hết hiệu lực.


Điều 52
1- Trong trường hợp phân chia doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện thoả ước tập thể cho tới khi hết hạn hoặc tới khi ký kết thoả ước tập thể mới.
Trong trường hợp sáp nhập doanh nghiệp, việc thực hiện thoả ước tập thể do Chính phủ quy định.
2- Trong trường hợp thoả ước tập thể hết hiệu lực do doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, thì quyền lợi của người lao động được giải quyết theo Điều 66 của Bộ luật này.


Điều 53
Người sử dụng lao động chịu mọi chi phí cho việc thương lượng, ký kết, đăng ký, sửa đổi, bổ sung, công bố thoả ước tập thể.
Các đại diện tập thể lao động là người lao động do doanh nghiệp trả lương, thì vẫn được trả lương trong thời gian tham gia thương lượng, ký kết thoả ước tập thể.


Điều 54
Những quy định tại Chương này được áp dụng cho việc thương lượng và ký kết thoả ước tập thể ngành.



Trích
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động (12/4/2002)

10. Khoản 1 Điều 45 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"1. Đại diện thương lượng thỏa ước tập thể của hai bên gồm:

a) Bên tập thể lao động là Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời;

b) Bên người sử dụng lao động là Giám đốc doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo điều lệ tổ chức doanh nghiệp hoặc có giấy ủy quyền của Giám đốc doanh nghiệp.

Số lượng đại diện thương lượng thỏa ước tập thể của các bên do hai bên thỏa thuận."

11. Điều 47 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 47.

1. Thỏa ước tập thể đã ký kết phải làm thành bốn bản, trong đó:

a) Một bản do người sử dụng lao động giữ;

b) Một bản do Ban chấp hành công đoàn cơ sở giữ;

c) Một bản do Ban chấp hành công đoàn cơ sở gửi công đoàn cấp trên;

d) Một bản do người sử dụng lao động gửi đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày ký.

2. Thỏa ước tập thể có hiệu lực từ ngày hai bên thỏa thuận ghi trong thỏa ước, trường hợp hai bên không thỏa thuận thì thỏa ước có hiệu lực kể từ ngày ký."

12. Điều 48 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 48.

1. thỏa ước tập thể bị coi là vô hiệu từng phần khi một hoặc một số điều khoản trong thỏa ước trái với quy định của pháp luật.

2. thỏa ước thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là vô hiệu toàn bộ:

a) Toàn bộ nội dung thỏa ước trái pháp luật;

b) Người ký kết thỏa ước không đúng thẩm quyền;

c) Không tiến hành theo đúng trình tự ký kết.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền tuyên bố thỏa ước tập thể vô hiệu từng phần hoặc vô hiệu toàn bộ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Đối với các thỏa ước tập thể trong các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này, nếu nội dung đã ký kết có lợi cho người lao động thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn để các bên làm lại cho đúng quy định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hướng dẫn; nếu không làm lại thì bị tuyên bố vô hiệu. Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên ghi trong thỏa ước bị tuyên bố vô hiệu được giải quyết theo quy định của pháp luật."

13. Khoản 1 Điều 52 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"1. Trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở căn cứ vào phương án sử dụng lao động để xem xét việc tiếp tục thực hiện, sửa đổi, bổ sung hoặc ký thỏa ước tập thể mới."



Không có nhận xét nào: